TÁM CHI CỦA YOGA

Tài liệu số 2

TÁM CHI CỦA YOGA

Chương 10, Super-Consciousness Through Meditation của Douglas Baker

Trích dịch từ Super-Consciousness Through Meditation của Douglas Baker

Yoga Sutras of Patanjali

Quan trọng nhất trong số những giảng dạy về Yoga là của nhà hiền triết Patanjali, người mà Kinh Yoga Sutra của Ông tạo thành luận thuyết có thẩm quyền cho việc thực hành Raja Yoga, nhánh Yoga liên quan đến khoa học tham thiền. Trong quyển kinh này, người ta tìm thấy các quy tắc và phương pháp giúp kiểm soát thể trí, ổn định cảm xúc và phát triển sợi dây tâm thức dẫn đến hiểu biết về bản chất thực sự của chúng ta và trải nghiệm siêu ý thức. Cần lưu ý rằng, ở phương Đông, sự phát triển của các thực hành dẫn đến nhận thức về Bản ngã được thúc đẩy bởi nỗ lực của con người nhằm giải phóng bản thân khỏi đau đớn và khổ sở. Do đó, mối quan tâm chính này đã làm phát sinh các hệ thống triết học tôn giáo lớn của phương Đông. Yoga Sutras của Patanjali là một trong những hệ thống được phát triển để giải phóng con người khỏi đau khổ và dẫn y đến sự Tự Nhận Thức.

Sự tiến bộ được nêu trong tám bước hoặc tám chi của Kinh Yoga Sutra là bắt buộc đối với tất cả những người chí nguyện tâm linh. Vào những thời kỳ sau đó, các vị thầy tâm linh mở rộng chương trình này để những tính khí đặc biệt của những người tìm đạo khác nhau có thể được phát triển. Kết quả là một số loại hình Yoga chuyên biệt đã được phát triển, cụ thể là Hatha Yoga, khoa học về các tư thế thể xác; Karma Yoga, con đường của hành động đúng đắn; Bhakti Yoga, con đường của sự sùng tín; Mantra Yoga, khoa học về rung động âm thanh; Jnana Yoga, con đường của tri thức. Tuy nhiên, Raja Yoga được coi là mục tiêu của tất cả các Yoga khác, vì nó mang lại trải nghiệm siêu việt. Để làm rõ hơn, cần lưu ý rằng từ Yoga, đề cập đến cả con đường và mục tiêu. Vì vậy, khi người ta nói đến việc thực hành Yoga, nghĩa là học viên đang tuân theo các kỷ luật để đạt được mục tiêu của Yoga là sự hợp nhất.

Patanjali, nhà hiền triết sống vào khoảng 200 TCN, không phải là người khởi xướng hệ thống Yoga này. Đúng hơn, những gì Ngài làm là để tái tạo lại triết lý Yoga cho con người của thời đại Ngài. Ngài đã cô đọng tài liệu này thành một dạng có tính chọn lọc cao được gọi là câu kinh (sutra). Sutra (trong tiếng Phạn có nghĩa là sợi chỉ) là một phát biểu ngắn gọn liên kết với nhau tạo thành một sự liên tục cơ bản của các ý tưởng ở dạng đại cương. Có tổng cộng 196 sutra, và mặc dù chúng chỉ chiếm chưa đến mười trang in khổ lớn, nhưng chúng đã đưa ra một phác thảo công phu về tâm lý học và triết học. Vì Patanjali biết rằng những người theo Ngài không cần thuyết phục, bản thân Ngài không quan tâm đến việc thuyết phục hay cầu xin đặc biệt. Vì vậy, những gì Ngài đưa ra là một lý thuyết toàn diện có thể được kiểm chứng bằng kinh nghiệm cá nhân.

Tích hợp phàm ngã

Patanjali và những người theo ông đã nhận thức đầy đủ về tất cả những gì được gọi theo thuật ngữ hiện đại là vô thức tập thể và siêu ý thức tập thể. Tương tự như vậy, họ có những phương pháp riêng để đề cập đến những phức cảm, sự cố định và những vấn đề liên quan đến sự tích hợp phàm ngã. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều nghiên cứu về sự tương đồng giữa phương pháp trị liệu tâm lý phương Đông và phương Tây. Một trong những so sánh nổi bật nhất giữa phương pháp tiếp cận phương Đông và phương Tây đối với sự phát triển và giác ngộ được tìm thấy trong công trình của nhà tâm lý học nổi tiếng người Thụy Sĩ, Giáo sư Carl Jung. Bốn giai đoạn phân tích của ông có sự tương đồng đáng kể với công việc của Patanjali và toàn bộ truyền thống lâu đời về việc tìm kiếm sự giác ngộ.

Trên thực tế, người ta đã nhận ra rằng cả vị Thầy phương Đông và nhà trị liệu tâm lý phương Tây đều thực hiện cùng một chức năng trong mối quan hệ của họ với đệ tử và bệnh nhân; đối với Yoga, giống như Kabala của người Do Thái và Tâm lý học phân tích của phương Tây, là một hệ thống để phát triển nội tâm, tích hợp phàm ngã và cuối cùng là Tự Nhận thức bản thân. Việc Jung hoàn toàn đồng ý với cách tiếp cận của phương Đông là rõ ràng trong nhận xét sau:

Trải nghiệm và nhận thức Bản ngã (Self) này là mục đích cuối cùng của Yoga Ấn Độ, và khi xem xét tâm lý học của Bản Ngã, chúng ta nên nhờ đến những kho tàng của trí tuệ Ấn Độ. Ở Ấn Độ, cũng như với chúng tôi, kinh nghiệm về Cái tôi không liên quan gì đến chủ nghĩa duy trí (intellectualism); nó là một diễn biến quan trọng dẫn đến sự chuyển đổi cơ bản của nhân cách. Tôi đã gọi quá trình dẫn đến trải nghiệm này là quá trình của chủ nghĩa cá nhân. (The Practice of Psychotherapy, Vol. 16, The Collected Works of C. J. Jung, Pantheon, 1954)

Tham thiền là gì và không là gì

Thuật ngữ thiền được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để chỉ một loạt các phương pháp thực hành khác nhau nhiều đến mức cần phải giải thích ý nghĩa của thiền trong thực hành Raja Yoga. Cách thức mà nó được sử dụng trong Yoga theo nghĩa chính thức và là một kỷ luật loại trừ hoạt động trí tuệ; như vậy nó khác với sự suy nghĩ về một chủ đề. Thiền Raja Yoga bao gồm hai quá trình: làm cho cái trí trở nên hướng nội hoặc nhất tâm, và giúp chấm dứt hoàn toàn các làn sóng tư duy trong trí.

Trong Sutra thứ hai, Patanjali đưa ra định nghĩa nổi tiếng của ông về Yoga: ‘Yoga là sự ức chế những biến thái của cái trí.’ Thông qua sự phát triển đạo đức và các kỹ thuật thiền định, tư tưởng tĩnh lặng và cái trí được thanh thản, cuối cùng dẫn đến Samadhi, trải nghiệm siêu ý thức. Điều thú vị là, khả năng làm yên tĩnh các làn sóng suy nghĩ trong trí chỉ có thể đạt được sau khi chúng ta đã xử lý nội dung của phần vô thức thấp. Giống như Dante, trước tiên chúng ta phải vật lộn với Kẻ Chận Ngõ, thanh lọc bản chất tam phân của chúng ta, và tích hợp phàm ngã của chúng ta trước khi có thể làm tĩnh lặng những làn sóng suy nghĩ trong trí và trải nghiệm sự hợp nhất được gọi là Yoga này.

Điều này đòi hỏi sự hi sinh, kỷ luật tự giác và nỗ lực bền bỉ. Điều thú vị là từ tiếng Phạn cho sự nỗ lực là tapas, có nghĩa là cái tạo ra năng lượng hoặc nhiệt. Khi thuật ngữ tapas, được áp dụng cho hành vi của con người, nó có nghĩa là thực hành tiết kiệm năng lượng và hướng nó đến mục tiêu của Yoga. Rõ ràng, để làm được điều này, chúng ta phải thực hiện tự kỷ luật về tư cách và đạo đức của mình; chúng ta phải học cách kiểm soát những ham muốn và đam mê thể chất của mình. Chính vì lý do này mà các quy định về luân lý và đạo đức được đặt lên hàng đầu trong danh sách các thủ tục cần tuân thủ để đạt được trải nghiệm siêu ý thức.

Astanga Yoga

Hệ thống Raja Yoga của Patanjali thường được gọi là Astanga Yoga vì ông đã vạch ra tám phương pháp thực hành chính, hoặc tám chi, để siêu việt tâm trí và đạt đến Samadhi. Mặc dù các giai đoạn này nối tiếp nhau theo trình tự tự nhiên, ngụ ý sự phát triển từng bước, nhưng trong thực tế, một số giai đoạn hoặc các chi có thể được thực hiện gần như đồng thời. Ví dụ, ba bước cuối cùng, là Dharana, Dhyana và Samadhi, được dịch là tập trung, tập trung kéo dài và chiêm ngưỡng, tạo thành một quá trình duy nhất trong các giai đoạn thiền nâng cao. Quá trình tam phân này được chỉ định bằng một từ trong tiếng Phạn là Samyama, và giả định mức độ kiểm soát tập trung nâng cao. Khi Samyama được thực hiện trên bất kỳ đối tượng nào, bao gồm cả hệ mặt trời, bản chất thực sự và kiến thức trực tiếp về đối tượng đó có thể được biết chính xác.

Tám chi của Yoga được liệt kê dưới đây:

1. Yama (Giới luật)

2. Các Qui luật (Observances)

3. Asana (Tư thế)

4. Pranayama (Kiểm soát prana)

5. Pratyahara (Tút lui khỏi các giác quan)

6. Dharana (Tập trung)

7. Dhyana (Tập trung kéo dài)

8. Samadhi (Kinh nghiệm siêu thức)

Đương nhiên, có nhiều biến thể và khác biệt xảy ra trong việc dịch các từ tiếng Phạn sang tiếng Anh. Điều này là do sự khó khăn trong việc chuyển tải một khái niệm triết học trừu tượng sang một ngôn ngữ không có nghĩa tương đương cho cùng một từ, và kết quả là đôi khi xảy ra sự biến dạng và mất đi nghĩa gốc. Do đó cần phải có những bình luận dài dòng về mỗi câu kinh.

Hai chi hoặc hai bước đầu tiên, được gọi là Yamas (Giới luật) và Niyamas (Qui luật), bao gồm tổng cộng mười huấn lệnh hình thành các hướng dẫn đạo đức cho người chí nguyện. Năm Yamas (‘Không nên làm’) không bạo lực, nói dối, trộm cắp, nhục dục và tham lam. Tất nhiên, điều quan trọng là phải hiểu rằng những đức tính được quy định có phạm vi rộng hơn và ý nghĩa sâu sắc hơn những gì thể hiện ở bề ngoài. Nếu đánh giá từ các tiêu chuẩn thông thường, các huấn thị không sát sinh, không nói dối, không trộm cắp… không thể hiện một mức độ đạo đức cao siêu. Tuy nhiên, nó hàm ý các đức tính phải được thực hành ở mức độ hoàn thiện cao hơn và phải được giải thích ở cấp tinh vi hơn. Ví dụ, huấn thị không bạo lực không chỉ được hiểu theo nghĩa thô của nó là không sát sinh hoặc làm bị thương người khác, mà còn từ ý nghĩa sâu xa hơn là không muốn giết hoặc gây tổn thương. Cuối cùng, việc tu dưỡng đức tính này dẫn đến việc giải thoát cá nhân khỏi những suy nghĩ hoặc hình ảnh bạo lực, có thể xâm nhập vào tâm thức của chúng ta từ bất kỳ hướng hoặc nguồn nào.

Tương tự như vậy, huấn thị không nói dối mở rộng đến cách giải thích tinh vi hơn về sự lừa dối. Chúng ta có thể thông minh khi nghĩ rằng chúng ta đang lừa dối người khác về tính cách của mình, nhưng lại không biết rằng chúng ta thực sự chỉ đang lừa dối chính mình. Chúng ta nên thực hành tốt việc nghe theo lời khuyên của người bảo ban bất tử trong việc trau dồi đức tính trung thực:

Hãy chân thật với chân ngã của bạn

Và sau đó, như đêm nối bước theo ngày

Bạn không thể giả dối với bất kỳ ai

Huấn thị không trộm cắp liên quan đến việc kiêng khem trên cõi tình cảm và cõi trí. Do đó, người chí nguyện không đòi hỏi những lợi ích tình cảm như tình thương và sự ưu ái, ghét bỏ hay thù hận; về mặt trí tuệ, anh ta đòi hỏi danh tiếng không xứng đáng, hoặc nhận nghĩa vụ, sự ưu ái hoặc sự nổi tiếng của người khác.

SẮC DỤC VÀ THAM LAM

Một cái bẫy khác là nhục dục và tham lam; việc tìm kiếm khoái lạc vô tận, không chỉ liên quan đến sự ham muốn tình dục, mà ở tất cả các cấp độ, phải được tiết chế cẩn thận, bởi vì việc tìm kiếm khoái cảm chỉ dẫn đến việc tìm kiếm thêm khoái cảm và sử dụng rất nhiều sinh lực. Mặt khác, lòng tham, sự thụ đắc của cải vật chất ngày càng nhiều vốn không bao giờ được thoả mãn, tạo ra càng nhiều chấp trước. Cuối cùng, những theo đuổi này chỉ dẫn đến đau đớn và khổ sở và tham gia sâu hơn vào vật chất. Cuối cùng, con người học cách hiểu rằng việc theo đuổi thú vui bất tận của anh ta trong thế giới bên ngoài thực sự là một cuộc tìm kiếm Bản ngã.

Năm Niyamas (Qui luật) là trong sạch, an vui, khát vọng rực lửa, tự học và phục tùng; đây là những phẩm chất cần được trau dồi. Một lần nữa, chúng ta phải vượt ra ngoài sự giải thích bề mặt để hiểu sâu hơn ý nghĩa của những qui luật này. Sự trong sạch không chỉ dừng lại ở mức độ thể chất, mà còn vượt ra đi vào lĩnh vực tình cảm và tinh thần. Việc đưa Ngọn Lửa tâm linh vào trong hào quang sẽ tập trung vào bất kỳ tạp chất nào, cho dù đó là thể chất, trí tuệ, tình cảm hay dĩ thái, và sẽ bị giam giữ ở đó. Sự ô nhiễm về tinh thần và cảm xúc như sợ hãi, lo lắng, đau khổ, v.v., tạo thành những ô nhiễm của các thể vi tế và phải được xử lý. Người chí nguyện cũng phải đối phó với những ô nhiễm trí tuệ do môi trường, đời sống xã hội, công việc, v.v. của anh ta tạo ra.

Sự an vui không có nghĩa là hài lòng, mà là sự chấp nhận và nhận biết vị trí của một người trên đường đạo và tài sản hiện tại của một người. Sự đánh giá và chấp nhận này tạo ra một trạng thái tâm trí bình thản để theo đuổi mục tiêu giác ngộ. Mặc dù người chí nguyện đã phát triển cảm giác chấp nhận với mức độ tiến bộ hiện tại của mình, đồng thời, anh ta vẫn tiếp tục phấn đấu hướng tới mục tiêu của mình. Phẩm chất cần thiết cho điều này là khát vọng rực lửa, đề cập đến nỗ lực bền bỉ để tiếp tục đi lên ngọn núi hướng tới lý tưởng đã hình dung. Sinh viên tiếp tục thực hành các kỷ luật hàng ngày một cách trung thành bất chấp thực tế là có thể có rất ít hoặc không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ sự tiến bộ nào được thực hiện, và bất kể cảm giác chán nản và tuyệt vọng tràn ngập sau khi sự bùng nổ nhiệt tình ban đầu đã tàn lụi. Chỉ khi nào phẩm chất này đã được phát triển và chứng minh, thì một người mới được phép trở thành đệ tử của một Chân sư.

Các Tác phẩm huyền môn Kinh điển—Occult Classics

Nói tóm tắt, việc tự học trong bối cảnh này có nghĩa là nghiên cứu các kinh điển huyền linh học, chẳng hạn như bộ Giáo lý Bí Nhiệm của bà Blavatsky hoặc Luận thuyết về Lửa vũ trụ của Chân sư DK, và các kinh sách tâm linh kiha1c như Bhagavad Gita hoặc The Yoga Sutras; nó cũng bao gồm các tài liệu giảng dạy khác dẫn đến sự hiểu biết về bản thân và hoà nhập Chân ngã. Do đó, nghiên cứu cũng nên bao gồm sự hiểu biết về các biểu tượng, vì điều này sẽ giúp phát triển tâm thức của một người về các thực tại bên trong. Tiến thêm một bước nữa, người ta sẽ thấy rằng tất cả các hình tướng, bao gồm cả phàm ngã tam phân, đều là những biểu tượng che đậy hoặc che giấu một ý tưởng hay một sự thật thiêng liêng. Khi hiểu được điều này, người đệ tử tìm cách tiếp xúc với bản thể thiêng liêng được ẩn giấu bởi các hình thức trong tất cả các vương quốc của tự nhiên.

Sự tự phục tùng Chân ngã, hoặc vị Thầy bên trong, có thể được mô tả là cấu thành thái độ của phàm ngã tam phân phụng sự Chủ nhân bên trong hoặc Đấng Christ trong tâm. Thái độ cần được trau dồi là thực hiện việc phụng sự của chúng ta trên thế gian mà không quan tâm đến thành công hay thất bại. Đôi khi chúng ta quên rằng lý do chúng ta ở cõi trần là vì sự tiến hóa của tâm thức, chứ không phải để phục vụ mục đích cá nhân của chúng ta.

Những đức tính này cần được trau dồi để loại bỏ hoàn toàn mọi rối loạn về trí tuệ và cảm xúc vốn là đặc điểm của cuộc sống của một con người bình thường. Hơn nữa, Yamas và Niyamas không chỉ đóng vai trò như một quy tắc ứng xử đạo đức và luân lý, mà còn là một phương tiện để đạt được sự không dính mắc, bảo tồn sinh lực và duy trì sự nhất tâm của sự tập trung. Năng lượng bảo tồn được sử dụng để làm thuận lợi cho việc thực hành các kỹ thuật của sáu bước tiếp theo, trong khi việc thực hành buông xả (không dính mắc) ngụ ý tự do khỏi sự hút và đẩy của các đối tượng cảm giác, do đó vượt qua ảnh hưởng rối loạn của cảm xúc trong việc cố gắng giữ yên các làn sóng tư tưởng trong trí.

Leave Comment